Sau Tết, nhiều bố mẹ thường băn khoăn chưa biết cách giúp con quản lý và chi tiêu số tiền lì xì nhận được như thế nào cho đúng và hiệu quả. Đứng ở góc độ tài chính, tiền mừng tuổi thực chất đó chính là đồng tiền xoay vòng. Xoay vòng ở đây nghĩa là mình lì xì cho con người khác và người khác lì xì lại cho con mình. Nhiều phụ huynh cho rằng, tiền lì xì của con cũng là tiền của mình và vì trẻ còn nhỏ, không nên cho giữ tiền quá sớm, có thể phung phí và thậm chí có các hoạt động không tốt ngoài trường học.
Câu hỏi đặt ra là: vậy chúng ta nên quản lý tiền mừng tuổi của con thế nào?
Theo chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân, để con tự cầm tiền là điều hết sức bình thường, quá trình trẻ xử lý và tiêu tiền thực chất là quá trình con đang học cách quản lý tài chính. Điều này cũng phù hợp với quan điểm dạy con tại các quốc gia tiên tiến. Họ cho rằng, việc trang bị kiến thức về quản lý tiền bạc, đầu tư và kế hoạch tài chính từ khi còn nhỏ sẽ giúp trẻ phát triển tư duy logic, sáng tạo, kích thích sự phát triển trí não và nhận thức được giá trị của tiền, sức lao động và biết ơn cha mẹ hơn. Việc tạo thói quen tài chính tích cực và tự chủ tài chính sẽ giúp trẻ tự tin hơn trong tương lai.
Tùy vào độ tuổi của con mà cha mẹ có thể có những cách quản lý tiền lì xì. Nếu như con chỉ đang độ tuổi mầm non hoặc quá nhỏ để nhận thức về tiền thì cha mẹ có thể giữ tiền mừng tuổi giúp con. Tuy nhiên, để con có thể biết được sự tồn tại về số tiền này, cha mẹ có thể gửi tiết kiệm hoặc đầu tư và chia sẻ câu chuyện này cho con. Khi con đã bắt đầu đi học, đã nhận biết được sự tồn tại và vai trò của tiền, cha mẹ nên hướng dẫn cho con cách quản lý tiền mừng tuổi theo 2 cách sau để biến đây thành cơ hội dạy con quản lý tài chính sớm nhé: 💰
CÁCH 1️⃣: DẠY CON CÁCH TẠO LẬP NGÂN SÁCH
Đầu tiên, bạn hãy hướng dẫn bé chia tiền lì xì thành 4 phần, để vào 4 lọ được đặt tên lần lượt là:
⚈ Lọ 1 – Chi tiêu học hỏi: Là phần tiền để mua những cuốn sách hay. Đây là bước đầu tiên giúp con hình thành thói quen đầu tư vào kiến thức để tăng giá trị bản thân.
⚈ Lọ 2 – Chi tiêu theo sở thích: Dùng để mua những món đồ con thích như đồ chơi, đồ ăn, quần áo.
⚈ Lọ 3 – Tiết kiệm: Khoản tiền này sẽ dùng để bỏ ống heo.
⚈ Lọ 4 – Cho đi: Đây là số tiền bé sẽ dùng để làm từ thiện.
Nhờ việc phân chia số tiền hiện có thành từng lọ, bé sẽ bước đầu nhận biết dòng tiền của mình đi đâu về đâu. Lưu ý, số tiền bỏ vào từng lọ do các bé tự quyết định. Bố mẹ sẽ đóng vai trò là người hỗ trợ, theo dõi cách con phân bổ và sử dụng tiền, để đưa ra lời khuyên giúp trẻ có những quyết định tốt hơn với ngân sách sẵn có.
CÁCH 2️⃣: GIÚP CON HÌNH THÀNH THÓI QUEN KỶ LUẬT VÀ ĐẦU TƯ TRONG DÀI HẠN
Phần này sẽ phức tạp hơn một chút, vì lúc này bé sẽ thực sự thực hành với việc đầu tư. Bao gồm 2 bước:
⚈ Bước 1: Hướng dẫn bé chia khoản lì xì nhận được thành 12 phần bằng nhau, bỏ vào 12 bao lì xì đánh số thứ tự từ 1 đến 12, tương ứng với 12 tháng.
⚈ Bước 2: Vào một ngày cố định trong tháng, ví dụ ngày 1 hàng tháng, bé sẽ đưa cho bạn một phong bao lì xì có số thứ tự tương ứng.
Với số tiền này, bạn sẽ cùng bé thao tác đầu tư tiền vào quỹ mở theo chương trình đầu tư định kỳ hàng tháng, liên tục trong 12 tháng. Có thể tìm hiểu quỹ mở hiện có trên thị trường hiện nay.
Bạn hãy cùng bé tiếp tục đầu tư theo các bước trên cho khoản tiền lì xì trong các năm sau. Ngoài việc giúp con hình thành thói quen kỷ luật đầu tư trong dài hạn, bạn cũng cần cùng bé đặt mục tiêu tài chính cụ thể cho khoản đầu tư, chẳng hạn như dùng để mua điện thoại, máy tính, hay chi trả chi phí học tập khi vào đại học. Bằng cách này, bé sẽ có thêm động lực và định hướng chi tiêu số tiền lì xì của mình trong tương lai. 🧧
Lì xì vốn là phong tục đẹp mỗi dịp đầu năm mới. Bên cạnh việc dạy con văn hoá nhận lì xì, bạn cũng nên hướng dẫn con cách sử dụng số tiền nhận được một cách hợp lý. Bởi lẽ, khả năng kiểm soát tài chính cá nhân tốt sẽ giúp xây dựng sự tự tin và khuyến khích tính chủ động ở trẻ. Từ đó, tạo nền tảng vững chắc cho trẻ theo đuổi các mục tiêu và ước mơ trong tương lai. 🎯